Quá trình thực hiện và tiêu đề Một chín tám tư

Trang đầu bản thảo năm 1947 của Một chín tám tư cho thấy quá trình biên tập

George Orwell nghĩ ra phần lõi cuốn sách vào năm 1944, và ba năm sau, ông viết gần như toàn bộ nội dung lúc ở trên đảo Jura từ năm 1947 đến 1948 dù đang phải chống chọi với căn bệnh lao.[7] Ngày 4 tháng 12 năm 1948, ông gửi bản thảo cuối cùng đến nhà xuất bản Secker and Warburg và Một chín tám tư được phát hành vào ngày 8 tháng 6 năm 1949.[8][9] Đến năm 1989, tiểu thuyết này đã được dịch sang 65 ngôn ngữ, nhiều hơn bất cứ tiểu thuyết tiếng Anh cùng thời nào.[10] Tiêu đề của cuốn sách, chủ đề của nó, tiếng Newspeak (Tân Ngôn) và họ của tác giả thường được dẫn chứng nhằm chống lại sự khống chế và xâm phạm đến từ nhà nước; ngoài ra, Orwellian đã đi vào tiếng Anh để nói về một xã hội cực quyền kiểu dystopia, nơi mà chính phủ kiểm soát và nô dịch người dân. Ngôn ngữ do Orwell sáng tạo ra, Newspeak, châm biếm bản chất của nhà nước. Ví dụ, Miniluv ("Bộ Yêu thương") chịu trách nhiệm tra tấn và tẩy não, Miniplenty ("Bộ Dồi dào") trông nom việc gây ra đói kém và thiếu thốn, Minipax ("Bộ Hoà bình") lại xem xét vấn đề chiến tranh và bạo ngược, và Minitrue ("Bộ Sự thật") chịu trách nhiệm tuyên truyền cổ động và viết lại lịch sử vì mục đích chính trị.

Người đàn ông cuối cùng ở châu Âu (The Last Man in Europe) là một trong những tựa nguyên thuỷ của cuốn sách. Tuy nhiên, trong một lá thư đề ngày 22 tháng 10 năm 1948 gửi nhà xuất bản, Orwell bày tỏ sự lưỡng lự giữa tựa đề Người đàn ông cuối cùng ở châu Âu và Một chín tám tư.[11] Nhà xuất bản đã gợi ý nên sử dụng tựa đề dễ đắt khách hơn.[12]

Tác giả vốn muốn đặt bối cảnh của Một chín tám tư vào năm 1980 nhưng sau đó, ông đã dời xuống lần lượt năm 1982 rồi 1984. Tựa đề cuối cùng có thể là biến thể của "1948" - năm sáng tác tiểu thuyết.[13] Trong lịch sử ấn bản, Một chín tám tư đã từng bị cấm hay bị hạn chế ở các thư viện công cộng bởi mang tư tưởng chống chế độ toàn trị tương tự các cuốn Thế giới mới tươi đẹp của Aldous Huxley (1932), Chúng tôi (1924) của Yevgeny Zamyatin, Kallocain (1940) của Karin Boye451 độ F (1951) của Ray Bradbury.[14] Tiểu thuyết dystopia tiếng Nga Chúng tôi được xem có ảnh hưởng mạnh mẽ đến Một chín tám tư.[15][16]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Một chín tám tư http://gutenberg.net.au/ebooks01/0100021.txt http://www.modernlibrary.com/top-100/100-best-nove... http://www.netcharles.com/orwell/books/1984.htm http://www.online-literature.com/forums/showthread... http://www.online-literature.com/orwell/1984/ http://www.pinkmonkey.com/booknotes/barrons/198423... http://entertainment.time.com/2005/10/16/all-time-... http://www.george-orwell.org/1984/16.html http://www.marxists.org/reference/archive/stalin/w... //www.worldcat.org/oclc/803952174